YouTube Analytics là một công cụ quan trọng cho các marketers hoặc những người quản lý kênh YouTube vì nó cung cấp thông tin quan trọng và dữ liệu phân tích liên quan đến hiệu suất kênh video của họ. Với sự phân tích của YouTube Analytics, họ có thể tối ưu hóa chiến lược video marketing của mình dựa trên dữ liệu cụ thể, chứ không chỉ dựa vào cảm giác hay giả định.
1. Lượt xem (Views)
Lượt xem cho biết mức độ phổ biến của video. Số lượt xem cao đồng nghĩa với việc video của bạn thu hút một lượng lớn người xem. Điều này có thể giúp video của bạn xuất hiện ở các vị trí cao hơn trong kết quả tìm kiếm và gợi ý, từ đó tạo thêm tiếp cận và thu hút người xem mới. Khi một video nhận được nhiều lượt xem, nó có tiềm năng thu hút người xem mới và tạo cơ hội để họ đăng ký kênh của bạn hoặc xem nhiều video khác. Lượt xem đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kênh YouTube của bạn.
Lượt xem cũng liên quan đến thu nhập từ quảng cáo trên YouTube. Một lượng lớn lượt xem có thể tạo điều kiện tốt cho việc kiếm tiền qua quảng cáo, đặc biệt nếu bạn tham gia vào Chương trình Đối tác YouTube (YouTube Partner Program). Lượt xem là một chỉ số đơn giản giúp bạn nhanh chóng đánh giá xem video nào đang làm rất tốt và video nào cần được cải thiện. Nó cung cấp thông tin cơ bản về sự hấp dẫn của nội dung và hiệu suất của kênh của bạn.
Tuy nhiên, lưu ý rằng chỉ số lượt xem không đủ để đánh giá hoàn toàn hiệu suất của video hoặc kênh của bạn. Nó nên được xem xét cùng với các chỉ số khác như thời lượng xem, tương tác, và số lượng người đăng ký mới để có cái nhìn tổng quan về sự thành công của bạn trên YouTube.
2. Lượt xem duy nhất (Unique Views)
Người xem duy nhất là số lượng cá nhân ước tính xem video của bạn trong một khoảng thời gian nhất định. Số liệu này thực sự giúp bạn hiểu được quy mô thực tế của khán giả.
Bạn cũng có thể sử dụng số liệu này để đánh giá mức độ tương tác của người đăng ký với video. Để tăng hoạt động của người đăng ký, hãy yêu cầu người thiết lập thông báo cho video mới của bạn.
Cách tìm Người xem duy nhất trong danh sách phát trong YouTube Studio: Analytics > Audience > Unique viewers
3. Thời lượng xem (Watch Time)
Thời lượng xem (Watch Time) đo lường tổng thời gian mà khán giả đã dành để theo dõi video của bạn. Đây là một yếu tố quan trọng trong chiến lược SEO trên YouTube. Nền tảng YouTube tin rằng thời gian xem cao tượng trưng cho nội dung hấp dẫn và sự tương tác, do đó, các video có thời lượng xem cao có cơ hội cao hơn để xuất hiện ở vị trí cao trong kết quả tìm kiếm và gợi ý.
Trong phần báo cáo Thời lượng xem, bạn có thể theo dõi lượng thời gian xem đã tích lũy bởi từng video, xếp hạng video theo thời lượng xem, và nhóm video theo chủ đề, phong cách và thời lượng để xác định loại video nào thu hút khán giả mạnh nhất. Thông qua thông tin này, bạn có thể điều chỉnh chiến lược tạo nội dung và tối ưu hóa video để tăng thời lượng xem và sự tương tác trên kênh của mình.
4. Tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate)
Tỷ lệ giữa số lần xem và số lần đăng ký (hoặc hành động khác) trên kênh của bạn. Nó cho biết bao nhiêu người xem đã thực hiện hành động sau khi xem video.
5. Chỉ số tương tác (Engagements)
Comment, share, like và dislike cung cấp cho các nhà tiếp thị rất nhiều dữ liệu chất lượng có giá trị. Chẳng hạn như lượt like và dislike có thể giúp bạn xác định chủ đề video nào phù hợp nhất với khán giả.
Cách tìm thấy mức độ tương tác trong YouTube Studio: Analytics > Engagement > Likes (vs. dislikes) > See More
6. Phần trăm xem trung bình (Average Percentage Viewed)
Là tỷ lệ phần trăm của mỗi video được hiển thị cho người xem trung bình. Khi YouTube nhận thấy video của bạn thu hút sự chú ý của mọi người, nền tảng sẽ trao cho video đó thứ hạng tìm kiếm và đề xuất cao hơn. Bạn có thể tìm thấy số liệu này trong báo cáo thời gian xem.
Cách tìm Tỷ lệ phần trăm được xem trung bình trong YouTube Studio: Analytics > Overview > Watch time > See More > Content > Watch time > More Metrics > Overview > Average percentage viewed
7. Tỷ lệ giữ chân người xem (Audience Retention)
Chỉ số này cho biết thời điểm xem và rời khỏi video của người xem. Đây là tiêu chí để Youtube đánh giá xếp hạng tìm kiếm và đề xuất video đến với người dùng. YouTube khuyên bạn nên chú ý đến 15 giây đầu tiên của mỗi video.
Biểu đồ biểu hiện tỷ lệ này sẽ bao gồm hai đường cong:
- Đường cong tỷ lệ giữ chân người xem tuyệt đối cho biết số lượt xem của từng khoảnh khắc trong video trên tổng số lượt xem video.
- Đường cong tỷ lệ giữ chân người xem tương đối cho biết khả năng giữ chân người xem của một video nào đó so với tất cả các video khác trên YouTube có thời lượng tương tự.
Cách tìm tỷ lệ giữ chân người xem trong YouTube Studio: Analytics > Engagement > Audience retention
8. Xem lại (Re-watches)
Số lượt xem lại là số lần người xem xem lại một số nội dung nhất định trong video. Nếu nhiều người đang xem lại một phần nội dung cụ thể trong video, nghĩa là họ quan tâm đến chủ đề mà video của bạn đang đề cập tại thời điểm đó.
Bạn có thể tìm thấy dữ liệu này trong biểu đồ tỷ lệ giữ chân người xem tuyệt đối. Chỉ số về lượt xem lại thường được biểu thị bằng các đường cong tăng dần trong biểu đồ.
Cách tìm Bản xem lại trong YouTube Studio: Analytics > Engagement > Audience retention > Absolute audience retention
9. Số người đăng ký (Subscribers)
Người đăng ký là người hâm mộ trung thành nhất. Họ đã đưa ra cam kết công khai về thương hiệu, nội dung và giá trị của bạn. Người đăng ký cũng rất quan trọng vì YouTube sẽ gửi thông báo về video mới của bạn và giới thiệu chúng trên trang chủ của họ, giúp tạo ra nhiều lượt xem hơn. Kênh càng có nhiều người đăng ký thì video sẽ thu được càng nhiều thời gian xem.
Báo cáo người đăng ký của YouTube sẽ cho bạn biết video, vị trí và khoảng thời gian nào có thêm và mất đi người đăng ký. Bạn có thể thu hút nhiều người đăng ký hơn bằng cách sử dụng CTA.
Cách tìm Người đăng ký trong YouTube Studio: Analytics > Audience > Subscribers
10. Tỷ lệ nhấp của số lần hiển thị (Impressions Click-Through Rate – CTR)
Tỷ lệ nhấp chuột của số lần hiển thị đo lường tần suất người xem video trong phần đề xuất trang chủ hoặc tab thịnh hành.
Tỷ lệ nhấp cao có nghĩa là tiêu đề của bạn hấp dẫn và chủ đề video của bạn thu hút được nhiều khán giả phù hợp trên YouTube. Thông thường, tỷ lệ CTR thường tăng đột biến ngay sau khi bạn phát hành video, khi đó, những người đăng ký sẽ nhìn thấy video ở đầu trang chủ và nhấp vào video đó. Nhưng một khi video lan rộng ra ngoài đối tượng khán giả đã đăng ký, tỷ lệ nhấp sẽ có xu hướng giảm và sau đó duy trì ở mức ổn định.
Bạn cũng có thể kết hợp số liệu này với tỷ lệ phần trăm đã xem trung bình và thời lượng xem trung bình để xem liệu mọi người có thực sự xem video của bạn sau khi họ nhấp vào video đó hay không.
Tỷ lệ nhấp cao là điều tuyệt vời nhưng nếu mọi người rời đi ngay khi bắt đầu video thì bạn cần xem xét điều chỉnh lại nội dung của mình.
Cách tìm thấy mức độ tương tác trong YouTube Studio: Analytics > Reach > Impressions click-through rate
11. Nhấp chuột vào thẻ (Card Clicks)
Card là bảng trượt khuyến khích mọi người thực hiện hành động mong muốn trong video, như xem video khác, đăng ký kênh hoặc nhấp qua một trang web khác. Tỷ lệ nhấp chuột vào thẻ cho bạn biết hành động của người xem thực hiện khi xem video. Phân tích số lượt nhấp vào thẻ sẽ giúp bạn khám phá thời điểm, vị trí và thời lượng tối ưu của thẻ cho các video sau này.
Cách tìm Lượt nhấp vào thẻ trong YouTube Studio: Analytics > Reach > See More > Impressions by: Content > More Metrics > Cards > Card Clicks
12. Tương tác với danh sách phát (Playlist Engagement)
Danh sách phát giúp người xem dễ dàng xem video theo chủ đề yêu thích và nhắc họ tiếp tục xem các video khác cùng trong danh sách, điều này giúp tăng thời gian xem cho kênh của bạn.
Số lượt xem trên mỗi lần bắt đầu danh sách phát là số lượt xem video trung bình thu thập được và thời gian trung bình trong danh sách phát là lượng thời gian trung bình mà người xem đã xem video. Nếu hai chỉ số này hoạt động kém, hãy thử tráo đổi thứ tự xuất hiện video trong danh sách phát bằng những video có tỷ lệ giữ chân cao hơn.
Cách tìm mức độ tương tác với danh sách phát trong YouTube Studio: Analytics > Engagement > See More > Watch Time > More Metrics > Playlists
13. Thời gian xem trung bình (Average View Duration)
Là tổng thời gian xem video chia cho tổng số lượt phát video, bao gồm cả số lượt phát lại. Thời lượng xem trung bình càng cao, Youtube sẽ càng có khả năng đề xuất video của bạn đến với nhiều người xem hơn.
Cách tìm Thời lượng xem trung bình trong YouTube Studio: Analytics > See More > Watch time > More Metrics > Overview > Average view duration
14. Nguồn lưu lượng truy cập (Traffic Source)
Nguồn truy cập là tổng hợp tất cả những vị trí mà video có khả năng hiển thị đến người dùng như Search (công cụ tìm kiếm), suggested (lượt xem được đề xuất) và browse (video đề xuất) hay trang chủ.
Báo cáo Nguồn lưu lượng truy cập cho bạn biết cách người xem tìm thấy video của bạn và nguồn nào mang lại nhiều lượt xem và thời gian xem nhất. Bạn có thể sử dụng dữ liệu này để tối ưu hóa tốt hơn chiến lược quảng cáo video.
Cách tìm Nguồn lưu lượng truy cập trong YouTube Studio: Analytics > Audience > Subscribers > See More > Traffic Source
15. Phân phối độ tuổi và giới tính của người xem (Audience Demographics)
Nhân khẩu học sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đối tượng của mình. Dữ liệu này giúp bạn xác định những người xem tích cực nhất và phân khúc đối tượng mục tiêu theo độ tuổi, giới tính và địa lý. Qua đó, bạn sẽ có thể điều chỉnh kế hoạch nội dung của mình cho phù hợp.